Giới trẻ không thể mãi thờ ơ với sở hữu trí tuệ
VHO- Xem phim, nghe nhạc trực tuyến… giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên dù biết thói quen giải trí thông qua các website vi phạm bản quyền là tiếp tay cho hành vi “ăn cắp” quyền tác giả nhưng một bộ phận bạn trẻ vẫn sử dụng những trang web này, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn là tinh thần của chủ sở hữu tác phẩm.
Bản quyền truyền hình bóng đá đang bị vi phạm nghiêm trọng trên môi trường số
Những người trong nghề cho rằng, đã đến lúc giới trẻ phải hình thành cho mình “sức đề kháng” trước những website vi phạm bản quyền, thể hiện vai trò trong công cuộc chống lại những hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Lực lượng nòng cốt thúc đẩy giá trị của quyền sở hữu trí tuệ
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, tại Việt Nam, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn ra. Các thương hiệu, tác phẩm VHNT bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số rất nhiều nhưng quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, do nhiều vi phạm có tính chất tinh vi, xuyên biên giới.
Ông Duy cũng nhấn mạnh thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống này sử dụng khối lượng dữ liệu lớn, gồm cả các tác phẩm VHNT nhưng không xin phép để tạo ra những sản phẩm mới. Đáng báo động là những nội dung này lại được nhiều bạn trẻ sử dụng tràn lan, gây thiệt hại đến các chủ thể quyền, tác giả. Hơn ai hết, thanh niên phải là những người nắm rõ vấn đề này, trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống vi phạm. Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành nguồn lực quý báu, là một trong những thước đo đánh giá một nền kinh tế phát triển vững vàng và minh bạch. Trong bối cảnh đó, thanh niên không chỉ là những nhân tố chính tạo nên sự đổi mới, mà còn trực tiếp tham gia bảo vệ, thúc đẩy giá trị của quyền sở hữu trí tuệ. Thanh niên là lực lượng tiên phong trong xây dựng ý thức cộng đồng; trong đó mọi người không chỉ biết cách sử dụng, khai thác mà còn hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Thế nhưng, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) nhận định, đang xuất hiện thực trạng đáng buồn rằng, chính một bộ phận thanh niên đang tiếp tay cho vấn nạn xâm phạm bản quyền. Trong đó, lĩnh vực thể thao, truyền hình, âm nhạc... đang chịu thiệt hại nặng nề từ các hành vi vi phạm. “Ngay khi một ca sĩ phát hành sản phẩm âm nhạc, chỉ vài phút sau, ca khúc đã xuất hiện trên đủ các website vi phạm bản quyền. Hay như trong câu chuyện bản quyền truyền hình bóng đá, không ai còn lạ gì với website lậu Xôi Lạc. Tôi tin rất nhiều bạn trẻ đã từng một lần truy cập vào những website lậu. Do đó, việc chặn triệt để những trang này không phải đơn giản vì có cầu sẽ có cung. Vì lợi nhuận thu về là rất lớn, nếu có bị phát hiện và “đánh sập”, tội phạm sẽ lập mới một trang web vi phạm bản quyền khác. Việc này chỉ mất khoảng 2 phút”, ông Lê Minh Tuấn chia sẻ.
Cần thể hiện vai trò tiên phong
Đưa ra những con số đáng báo động về vấn nạn xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, ông Đỗ Quang Lộc, chuyên gia của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay có khoảng 70 website cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền trong lĩnh vực bóng đá. Những website này hiện đã ghi nhận khoảng 1,5 tỉ lượt xem. Trong đó riêng website Xôi Lạc ghi nhận hơn 700 triệu lượt xem, đứng số 1 trong số các website vi phạm bản quyền bóng đá. Cơ quan quản lý nhà nước cũng ghi nhận khoảng 200 website lậu về phim ảnh với khoảng 120 triệu lượt xem. Thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra nay đã lên đến gần 350 triệu USD.
Trước thực trạng trên, ông Lê Minh Tuấn cho rằng, giới trẻ phải thể hiện rõ vai trò trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là môi trường số; tuyệt đối nói không với những nội dung vi phạm và thể hiện tiếng nói trong công cuộc chống lại các hành vi vi phạm bản quyền. “Nếu làm được, giới trẻ sẽ là lực lượng tạo nên sự thay đổi tích cực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thanh niên Việt Nam cần phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền, sử dụng các sản phẩm có bản quyền và tuyên truyền, truyền thông các sản phẩm có bản quyền đến cộng đồng. Từ đó, góp phần xây dựng một cộng đồng trẻ văn minh, tích cực tôn trọng bản quyền; tạo động lực để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cống hiến cho đất nước”, ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh. Ông Đỗ Quang Lộc cho rằng, nhiều bạn trẻ chưa thấu hiểu những mất mát to lớn của nhà sản xuất nội dung, với số tiền hàng tỉ đồng khi họ bị xâm phạm bản quyền. Chưa kể, vi phạm bản quyền còn như một thứ virus liên tục “bào mòn” văn hóa, sức sáng tạo nội dung và sức khỏe tinh thần cộng đồng. Muốn dẹp các trang web cung cấp phim lậu và nội dung số trái phép, giải pháp quan trọng hàng đầu là cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại của web lậu; động viên thanh niên thể hiện trách nhiệm, vai trò của mình khi tham gia vào việc chống vi phạm bản quyền.
“Hơn nữa, để trở thành thế hệ tiên phong bảo vệ bản quyền, những người trẻ trước hết hãy ngừng ngay sự thờ ơ với tác quyền. Ai cũng có quyền lựa chọn những hình thức giải trí khác nhau nhưng hãy tôn trọng sự sáng tạo, tôn trọng tâm sức và trí tuệ của người sáng tác, chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu bản thân các bạn trẻ tự ý thức việc không xem phim, xem bóng đá trên các trang web lậu thì các website vi phạm bản quyền sẽ ít đất để tồn tại hơn”, ông Đỗ Quang Lộc bày tỏ.
Thành lập lực lượng truy quét vi phạm bản quyền trên môi trường số |
ĐÌNH TOÁN